Nữ sinh 15 năm đến trường bằng 1 chân: Thử thách sẽ không bao giờ hết, phải tìm cách vượt qua nó

Nữ sinh 15 năm đến trường bằng 1 chân: Thử thách sẽ không bao giờ hết, phải tìm cách vượt qua nó

Vy Hue Le 3 năm trước 305 lượt xem

'Chưa bao giờ mình suy nghĩ đến việc bỏ cuộc trước khó khăn cả. Khó khăn là thử thách cuộc sống của bản thân. Thử thách tương lai còn dài, phải tìm cách vượt qua, Không thể bỏ cuộc'.

    Mất đi một chân từ khi mới 5 tuổi

    Câu chuyện của cô bạn Nguyễn Thị Cẩm Nhung (2001), sinh viên năm nhất khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) khiến nhiều người xúc động bởi nghị lực phi thường. Mặc dù đôi chân không được lành lặn, nhưng nữ sinh vẫn quyết tâm đến trường và nỗ lực tự lo cho cuộc sống xa nhà của mình. 

    Mất đi 1 chân khi chỉ mới 5 tuổi, Nhung không còn nhớ cảm giác khi đó của mình, thời gian trôi qua cô đã dần quen với cuộc sống chỉ có 1 chân. Nhớ lại ký ức năm xưa, Nhung tâm sự: 'Ngày đó mình quá nhỏ để có thể định hình, gọi tên được cảm xúc của mình. Ba mẹ sợ mình buồn nên chỉ nói qua và rất ít khi nhắc đến, mình chỉ nghe được qua lời ông bà kể với những người khác. Mỗi lần, nghe lại câu chuyện ông bà kể, mình rất buồn. Không phải buồn vì mình bị như vậy mà buồn vì mình đã làm cho ông bà và ba mẹ cực khổ rất nhiều trong những ngày tháng đó. Mình nghe nội kể, ba mẹ thức trắng đêm chăm sóc, nhịn ăn nhịn uống để kiếm tiền lo thuốc thang cho em. Ai ai cũng cực vì mình nhiều lắm...'

     

    Cô gái nhỏ, khi ấy 5 tuổi, trong một lần đi chơi bị ngã vì đường trơn trượt do trời mưa, mặc dù cú ngã không quá nguy hiểm, nhưng Nhung đã bị gãy chân. Khi ấy bố mẹ cô không thể hình dung, phía sau tai nạn ấy là tin dữ. Mặc dù bó bột, nằm viện một thời gian, vết gãy đã lành, Nhung có thể sinh hoạt bình thường. Nhưng vài tháng sau, chỗ xương gãy có gì đó không ổn, bố mẹ tức tốc cho Nhung vào viện, bác sĩ phát hiện một khối u lớn, chỉ định phải tháo khớp ngay, nếu không sẽ hoại tử cả chân.

    Đứng trước quyết định khó khăn, bố mẹ Nhung buộc phải để cô con gái bé nhỏ, xinh xắn, hoạt bát ngày nào mất đi một bên chân. Thời gian dài sau đó là chuỗi ngày gắn với bệnh viện, bố Nhung chạy đôn chạy đáo lo thủ tục, viện phí, mẹ ở viện luôn cùng em. 'Điều mình nhớ nhất và nhớ mãi là sự chăm sóc, yêu thương của bố mẹ, ông bà. Bố mẹ cưng mình lắm, chăm lo từng tí, trở thành đôi chân của mình, mình rất biết ơn bố mẹ.' - Nhung tâm sự.

    Những ngày tháng đi học với Nhung tuy khó khăn, tủi thân vì mình quá khác các bạn, nhưng đổi lại là sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, không khí lớp học tiếp thêm cho cô gái bé nhỏ động lực để đến trường mỗi ngày. 'Hồi học cấp 2, mình thường bị những bạn trai trêu ghẹo, lúc đi trên đường thì bị những em nhỏ lêu lêu, khi ấy tủi thân lắm, nhưng đổi lại mình có các bạn tốt bảo vệ, động viên giúp mình vui hơn nên cũng nhanh chóng quên đi.' - Nhung bộc bạch.

    Nữ sinh 15 năm đén trường bằng một chân

    Nữ sinh 15 năm  vượt qua khó khăn của bản thân - đến trường bằng 1 chân

    Ước mơ đến trường nhiều lần suýt dang dở

    Chính vì đôi chân không lành lặn nên người thân và cả mọi người xung quanh đều lo lắng Nhung không thể tiếp tục đi học. Một phần vì sợ em phải vất vả, một phần vì lo lắng nếu học cao cũng chưa chắc đã xin được việc. Tuy nhiên, những lúc như vậy, Nhung vẫn kiên định với mong muốn được tới trường của mình. 

    Lần đầu tiên cô bạn suýt phải dừng lại việc học là khi học hết lớp 9. Lúc này, gia đình có ý định cho Nhung dừng lại để tìm một công việc phổ thông nhẹ nhàng gần nhà. May mắn, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 9 biết trường hợp của Nhung được đặc cách trúng tuyển, đã âm thầm làm hồ sơ cho em vào Trường THPT Đoàn Thị Điểm, huyện Thạnh Phú (Bến Tre).

    Những năm học cấp 3, nhận được sự giúp đỡ của thầy cô giáo, bạn bè, cô hoàn thành tốt việc học ở trường. 'Thầy cô, các cô chú đã tìm cách giúp đỡ cho mình một khoản tiền để lo cho chi phí học tập trong những năm cấp 3. Mình cũng được một nhà hảo tâm tặng cho chiếc xe điện 3 bánh để em có phương tiện có thể tự đi học. Nhờ đó mà mình có thể tiếp tục được học tiếp.'

    Lần thứ 2 là khi Nhung học hết cấp 3, gia đình lo lắng em không thể tự xoay sở cuộc sống một mình khi học ở một thành phố khác. Tuy nhiên, những lúc như vậy, cô bạn đã giải thích và trấn an gia đình rằng mình có thể làm được.

    'Những lúc đó mình vẫn giữ quyết định của mình. Mình tin là em sẽ làm được những việc mà người khác làm được. Chỉ cần cố gắng thực hiện, chứng minh cho mọi người thấy mình vẫn có thể tự chăm sóc mình được dù ở nơi xa. Chưa bao giờ mình suy nghĩ đến việc bỏ cuộc trước khó khăn cả. Khó khăn là thử thách cuộc sống của bản thân. Thử thách tương lai còn dài, phải tìm cách vượt qua, không thể bỏ cuộc. Hơn nữa mình gặp được rất nhiều người tốt, thương mình, thực sự đó là may mắn.'

    Và rồi cô bạn đã chứng minh được điều ấy khi hàng ngày vẫn tự dùng chiếc nạng gỗ của mình lên giảng đường đại học. Sinh viên nội trú Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã không xa lạ gì với hình ảnh của Nhung -  một nữ sinh nhỏ nhắn nhưng có nghị lực phi thường, ngày ngày băng qua những con đường quen thuộc, tự mình lên giảng đường trên đôi nạng gỗ.

    Thậm chí, Nhung còn tự tin 'có thể leo được cả hai tầng lầu hay đến bất cứ chỗ nào trong trường. Những tầng cao hơn thì dùng thang máy. Khi mệt thì nghỉ một chút là có thể đi tiếp'.

    Nhung cũng cho biết trong học tập, mình được bạn bè và thầy cô giúp đỡ rất nhiều nên ít khi gặp khó khăn: 'Mình cảm thấy mọi việc em thực hiện tương đối dễ dàng. Chỉ gặp một số vấn đề nhỏ như mình không thể đi xa, hay tham gia các hoạt động đòi hỏi thể lực'.

    Mong muốn theo đuổi ngành Thiết kế đồ họa trong tương lai

    Ngay từ nhỏ Nhung đã có niềm đam mê với mỹ thuật. Cô bạn thích vẽ và cho rằng đây cũng là ngành phù hợp với mình nhất. Vừa có thể thỏa sức sáng tạo mà cũng không cần đi lại nhiều, có thể ngồi một chỗ thiết kế những bản vẽ. 

    Cẩm Nhung cũng mong muốn có thể tự lo được cho tương lai của mình và chăm sóc lại ông bà, ba mẹ:

    'Động lực giúp mình tiếp tục học là ba mẹ và ông bà của mình. Mình muốn sau này em có được một công việc ổn định. Tự lo được cho tương lai của mình và chăm sóc lại ba mẹ và ông bà. Vì họ là những người cực khổ nhất vì mình. Mình cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy những nụ cười của ba mẹ và ông bà khi thấy mình học tốt, có thể tự lo được cho bản thân ở nơi xa'.  

    Ngoài những giờ trên lớp thì về nhà Nhung thường làm bài tập và tự tìm tòi thêm các kiến thức liên quan. Thỉnh thoảng vào những ngày cuối tuần, nữ sinh sẽ cùng bạn dạo vòng quanh Sài Gòn để thư giãn tinh thần.

    Trong tương lai cô bạn hy vọng tìm được một việc làm ổn định trong môi trường văn phòng liên quan đến lĩnh vực thiết kế đồ họa để có thể tự trang trải cuộc sống của mình và làm những việc mà bản thân yêu thích.

    Tin mới