Tổng Quan Về Ngành Quản Trị Kinh Doanh

Tổng Quan Về Ngành Quản Trị Kinh Doanh

Vũ Mai Anh 2 năm trước 132 lượt xem

    Học ngành quản trị kinh doanh bao gồm nhiều lĩnh vực và kiến thức rất rộng. Bởi vậy, câu chuyện ngành này học gì, có những chuyên ngành nào và sau ra trường làm gì luôn là những quan tâm hàng đầu của hầu hết sinh viên. Cùng Hocsinh365 tìm hiểu về vấn đề này nhé!

    Ngành quản trị kinh doanh là gì

    Quản trị kinh doanh là ngành học đào tạo các kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến việc thành lập và điều hành một doanh nghiệp bất kể đó là công ty tư nhân, trực thuộc nhà nước hay phi chính phủ. Bạn sẽ được học về mọi bộ phận trong một công ty như kế toán, marketing, tài chính, nhân sự,… cùng nhiều kỹ năng mềm liên quan đến công việc như lãnh đạo, phân tích và cả đạo đức kinh doanh.

    ngành quản trị kinh doanh là gì

    Xem thêm: Xu hướng ngành quản trị kunh doanh: học gì, ở đâu và cơ hội nghề nghiệp

    Ngành này gồm những chuyên ngành nào

    Ngành quản trị kinh doanh là một ngành học rất rộng, có khá nhiều chuyên ngành sâu thuộc nhiều lĩnh vực, tùy từng trường sẽ có khung chương trình đào tạo theo các chuyên ngành khác nhau. Các bạn có thể tham khảo một số chuyên ngành trong ngành quản trị kinh doanh như: 

    • Quản trị kinh doanh tổng hợp 

    Với chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp, bên cạnh các kiến thức nền tảng về quản trị doanh nghiệp, các chiến lược kinh doanh, các kiến thức quản trị học, sinh viên còn được tiếp cận kiến thức về quản trị các lĩnh vực cụ thể như: quản trị dự án, quản trị sản xuất, quản trị bán hàng, quản trị tài chính...

    • Quản trị kinh doanh quốc tế

    Khi học chuyên ngành kinh doanh quốc tế, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức vững chắc về các lý thuyết về phân tích sự tác động của các yếu tố mang tính toàn cầu đến hoạt động doanh nghiệp như chính trị, kinh tế, nhân khẩu học, công nghệ, địa lý và văn hóa.

    chuyên ngành quản trị kinh doanh quốc tế

    Ngoài ra còn có khả năng phân tích tài chính, thị trường ngoại hối và các hệ thống tỷ giá hối đoái trên thế giới; hiểu rõ về quản trị vận hành từ lập kế hoạch, thiết kế, đến thực hiện các nghiệp vụ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các quy trình sản xuất và quản trị dự án; có khả năng xây dựng chiến lược kinh doanh toàn cầu để đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp trong môi trường đa văn hóa.

    • Marketing

    Chuyên ngành Marketing đào tạo một cách hệ thống kiến thức nền tảng về Marketing hiện đại, bao gồm các khía cạnh: nghiên cứu thị trường, xây dựng và phát triển các mối quan hệ khách hàng, thiết kế chương trình phân phối sản phẩm, tổ chức phân phối sản phẩm, định giá sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện,...với các môn học chuyên ngành Marketing cụ thể như Quản trị marketing, Quản trị bán hàng, Hành vi người tiêu dùng, Chiến lược sản phẩm, Chiến lược giá và phân phối, Quảng cáo và khuyến mãi, Marketing quốc tế, Marketing dịch vụ, PR…

    • Quản trị kinh doanh thương mại

    Chuyên ngành này cung cấp những kiến thức chuyên môn vững vàng về lĩnh vực kinh doanh thương mại trong nước và quốc tế; đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn để quản trị các doanh nghiệp thương mại thành công, có bản lĩnh kinh doanh thương mại trong nước và quốc tế, có khả năng tham mưu tốt cho lãnh đạo về các hoạt động thương mại có hiệu quả.

    Ngành Quản trị Kinh doanh

    Cơ hội việc làm

    Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành này vẫn sẽ đi lên từ vị trí nhân viên như đa số các ngành khác. Các vị trí có chức danh trưởng, phó phòng hoặc cao hơn thường yêu cầu kinh nghiệm công tác hoặc chuyên môn cao hơn. 

    Những nghề nghiệp của ngành này thường thiên về các lĩnh vực như quản trị nguồn nhân lực, quản lý sản xuất, quản trị marketing, marketing, PR, quản trị chuỗi cung ứng… Với các công việc cụ thể khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh:

    • Chuyên viên tại phòng kinh doanh, phòng kế hoạch, phòng marketing, phòng hỗ trợ - giao dịch khách hàng;

    • Thăng tiến trở thành trưởng nhóm, trưởng bộ phận kinh doanh, khảo sát thị trường, lập kế hoạch;

    • Với kinh nghiệm có thể trở thành Giám đốc điều hành, Giám đốc tài chính tại các công ty, tập đoàn;

    • Giảng dạy, nghiên cứu về Quản trị kinh doanh tại các trường đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp;

    • Khởi nghiệp với việc tự thành lập và điều hành công ty riêng.

    • ...

    ngành Quản trị Kinh doanh

    Mức lương của ngành quản trị kinh doanh

    Tùy thuộc vào vị trí bạn đảm đương trong công ty mà mức thu nhập sẽ khác nhau. Tuy nhiên có một quy tắc chung là nếu bạn có thể đem lại doanh thu càng nhiều cho công ty, hay nói cách khác là bán được nhiều hàng thì thu nhập của bạn sẽ càng cao.

    Vì lẽ đó nên các công việc không trực tiếp bán hàng như Kế toán hay Nhân sự thường sẽ chỉ nhận lương cứng còn những vị trí xông pha ngoài mặt trận để đem đơn hàng về cho doanh nghiệp như marketing hay sales thì ngoài lương cứng còn có thêm khoản thưởng tùy thuộc vào doanh số. Bù lại thì các công việc liên quan đến bán hàng sẽ áp lực hơn nhiều vì bạn sẽ phải cạnh tranh với hằng hà sa số công ty đối thủ trên thị trường để có thể đạt chỉ tiêu.

    Lời kết

    Ngành quản trị kinh doanh là một ngành học có nhu cầu nhân lực cao và cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều bạn lầm tưởng về tương lai học ngành này xong ra trường được làm sếp. Đó là một suy nghĩ sai lầm và thiển cận. Trong bài viết trên Hocsinh365 hy vọng giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành và lựa chọn đúng đắn chuyên ngành mình theo học sau này. Chúc bạn thành công trên con đường của mình!

    Tin mới