Xu Hướng Ngành Quản Trị Kinh Doanh: Học Gì, Ở Đâu, Và Cơ Hội Nghề Nghiệp

Xu Hướng Ngành Quản Trị Kinh Doanh: Học Gì, Ở Đâu, Và Cơ Hội Nghề Nghiệp

Nga Vũ 2 năm trước 252 lượt xem

    Nhắc đến quản trị kinh doanh nhiều người thường nghĩ đến nghề làm sếp, làm giám đốc, rất chuyên nghiệp và hoành tráng. Nhiều người lại nhận định rằng đây là ngành học không đi chuyên sâu về cái gì, mỗi thứ học một ít nên không giỏi hẳn về lĩnh vực nào cả. Vậy nên học quản trị kinh doanh xong sau này ra trường khó xin việc, thậm chí thất nghiệp. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra rằng nếu ý kiến như trên là đúng thì các trường đại học mở ra ngành này để làm gì? chưa kể ngành này vẫn luôn thuộc top ngành có điểm đầu vào cao nhất nhì các trường đại học. Vậy nên hãy cùng Hocsinh365 tìm hiểu về quản trị kinh doanh một cách đúng đắn nhất nhé.

    Học quản trị kinh doanh là học gì?
    Học quản trị kinh doanh là học gì?
     

    Học quản trị kinh doanh là học gì

    Hiểu theo cách ngắn gọn thì quản trị kinh doanh là một ngành đào tạo tất cả các kỹ năng, kiến thức cần thiết để có thể làm việc, thành lập và vận hành một doanh nghiệp hiệu quả, bất kể là dạng doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, chính phủ hay phi chính phủ.

    Với quản trị kinh doanh, do được học về chuyên môn nghiệp vụ của tất cả các phòng ban nên bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan về doanh nghiệp của mình. Học xong chuyên ngành quản trị kinh doanh hệ Cử nhân đại học, thông thường các bạn sinh viên sẽ lựa chọn tiếp tục học chuyên sâu hơn về một lĩnh vực nào đó, tức sẽ học lên chương trình Thạc sĩ.

    Việc có cái nhìn toàn cảnh như vậy giúp bạn thấu hiểu được tư duy của cấp trên, từ đó việc phối hợp trở nên nhịp nhàng, ăn ý hơn. Và từ đó bạn cũng dễ dàng được xem xét và thăng chức hơn đấy.

    6 khía cạnh trong quản trị kinh doanh

    Từ định nghĩa ở trên thấy rằng ngành quản trị kinh doanh thực sự rất rộng vậy nên trong các công ty hay doanh nghiệp lớn, ngoài CEO ra còn có giám đốc tài chính (CFO), giám đốc Marketing (CMO), giám đốc kinh doanh (CCO). Và cũng bởi sự rộng lớn và bao quát nên trong quản trị kinh doanh gần như có đầy đủ các bộ phận, các chuyên ngành khác.

    Và hệ thống lại thì quản trị kinh doanh gồm 6 khía cạnh lớn mà bất kỳ một doanh nghiệp lớn cũng quan tâm đến:

    • Nội bộ

    • Tài chính

    • Marketing

    • Nhân sự

    • Nghiên cứu và phát triển

    • Cạnh tranh

    Ngoài 6 khía cạnh lớn này ra, một số công ty có thể có thêm một số phòng ban khác tùy theo lĩnh vực của công ty đó. Ví dụ như các công ty về sản phẩm thì sẽ có phòng bán hàng, phòng sales.

    6 khía cạnh trong quản trị kinh doanh
    6 khía cạnh trong quản trị kinh doanh

    Tại sao nên chọn học quản trị kinh doanh

    • Đảm đương được nhiều vị trí trong doanh nghiệp

    Ngoài một số vị trí yêu cầu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cao như kế, kiểm toán thì sinh viên quản trị kinh doanh gần như có thể cân mọi loại công việc từ sale (bán hàng), marketing, truyền thông, nhân sự, tuyển dụng… tức bạn sẽ có sự lựa chọn nghề nghiệp rất đa dạng, không bị gò bó về phạm vi công việc như các chuyên ngành khác.

    Cũng chính vì sự đa dạng trong ngành học nên sau khi ra trường đi làm, bạn cũng có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các vị trí công việc khác nhau, luân chuyển giữa các phòng ban, nên là sẽ ít khi cảm thấy chán nản hay nhàm chán với công việc lặp đi lặp lại hàng ngày.

    • Việc học tập chuyên sâu đa dạng

    Như trên mình đã giới thiệu thì sau bậc học Cử nhân đại học, rất nhiều bạn lựa chọn tiếp tục học các chương trình chuyên sâu đó là Thạc sĩ. Bởi vì họ đã có cái gốc là kiến thức tổng quát và cơ bản về mọi ngành nghề khác nên sẽ có nền tảng, và dựa vào đó tiếp tục học chuyên sâu hơn về một lĩnh vực nhất định mà mình yêu thích, đam mê.

    Một số hệ Thạc sĩ mà được nhiều bạn lựa chọn theo đuổi là Thạc sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Luật, Thạc sĩ Marketing… 

    • Tư duy để tự khởi nghiệp

    Việc có cái nhìn tổng quan sẽ giúp bạn hình thành cho mình tư duy của người làm chủ. Bởi những người có tư duy làm chủ họ mới biết thực trạng vấn đề như nào, cốt lõi ra sao. Và đó chính là cái mà các ngành khác không có được.

    Ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, kinh nghiệm thực chiến của bạn càng nhiều thì phần trăm thành công của bạn càng lớn, lợi thế cạnh tranh cũng hơn hẳn những người khác cùng điểm xuất phát.

    Tư duy để tự khởi nghiệp
    Tư duy để tự khởi nghiệp

    Những tố chất cần có

    • Có đam mê

    Đầu tiên bạn phải có đam mê với kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng nhất nếu bạn muốn theo đuổi ngành này. Có đam mê thì bạn sẽ không ngại khó khăn, dầm mưa dãi nắng để trải nghiệm, học hỏi. Học ngành này mà bạn không là người chủ động tìm hiểu và tích lũy thì sẽ chẳng bao giờ thành công được cả. 

    • Không sợ tính toán, con số

    Thứ hai, nếu bạn không phải là người sợ con số thì xin chúc mừng bạn đã vượt qua vòng sơ khảo và đến gần hơn với ngành quản trị kinh doanh rồi đấy. Bởi nói đến kinh doanh, kinh tế thì không thể nào không nói tới các con số, các phép tính trong báo cáo tài chính hay kế hoạch thu chi.

    Tuy nhiên thì điều này là do bản năng và năng khiếu của mỗi người từ khi sinh ra nên nếu bạn cảm thấy mình không hợp những con số, không làm tốt được với các phép tính thì có lẽ bạn nên chọn con đường khác để đi sẽ dễ dàng hơn.

    • Khả năng làm việc nhóm

    Ngạn ngữ có câu: "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Đi cùng nhau ở đây không chỉ theo nghĩa đen mà theo nghĩa bóng, tức cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng đi. Có như vậy thì không gì có thể cản bước tiến lên của doanh nghiệp. Vậy nên nếu bạn là người muốn làm việc một mình, không muốn bị chi phối bởi người khác thì có lẽ quản trị kinh doanh chưa phải là ngành học phù hợp với bạn.

    Khả năng làm việc nhóm
    Khả năng làm việc nhóm
    • Sự xông pha

    Ngành kinh doanh nói chung luôn đòi hỏi người làm cần có sự dấn thân nhất định. Không chỉ vậy còn cần có sự hoạt bát, tháo vát và nhanh nhẹn của người trong nghề. Bởi để làm kinh doanh được thì không hề đơn giản khi mà môi trường xung quanh thay đổi liên tục, có đối thủ cạnh tranh và biết bao mối đe dọa. Từ đó đòi hỏi bạn cần có sự xông pha tìm hiểu, dám nghĩ dám làm để doanh nghiệp phát triển, và kịp thời ứng phó với mọi vấn đề bất ngờ xảy ra.

    • Tư duy nhạy bén

    Cũng bởi luôn có những mối đe dọa từ môi trường xung quanh nên người làm quản trị kinh doanh cần có sự nhạy bén để có thể sớm nhận ra những mối đe dọa đó, dự đoán được tình hình và đưa ra những giải pháp thực tế. 

    • Giỏi ngoại giao, giao tiếp 

    Không chỉ dừng lại ở việc bạn cần giao tiếp, trao đổi với nhân viên,đồng nghiệp trong cùng công ty thì bạn cũng rất cần xã giao với đối tác, bạn bè, mạng lưới quan hệ bên ngoài để mở rộng quy mô đối tác, quy mô doanh nghiệp. Khả năng ăn nói hay giao tiếp cực kỳ quan trọng trong việc làm kinh doanh, quyết định phần lớn việc bạn sẽ đi xa được đến đâu trong ngành đấy. Nên nếu bạn còn rụt rè trong giao tiếp, ngại nói chuyện hay bắt chuyện với người lạ thì có thể rèn luyện thêm để cải thiện nhé.

    khả năng giao tiếp
    Kỹ năng giao tiếp, xã giao

    Các chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh

    Trong ngành quản trị kinh doanh bao gồm nhiều chuyên ngành khác. Và tùy vào khả năng, năng lực và định hướng thì sinh viên quản trị kinh doanh sẽ đi chuyên sâu vào một nhánh nhỏ của quản trị kinh doanh. Một số chuyên ngành dưới đây bạn có thể tham khảo:

    • Chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp

    Đào tạo những nhà quản lý QTKD nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế xã hội, các kiến thức về chức năng, quá trình kinh doanh và quản trị ở các doanh nghiệp; có kỹ năng cơ bản để vận dụng trong kinh doanh nói chung và thực hành tốt trong một số chuyên môn công việc.

    • Chuyên ngành quản trị chất lượng

    Đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức về các lĩnh vực lập kế hoạch, chương trình quản lý chất lượng và chỉ đạo thực hiện tại các công ty dựa trên nhu cầu thị trường; xây dựng chiến một chính sách hợp lý về chất lượng cho công ty; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng trong các công ty; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống theo các tiêu chuẩn quốc tế.

    • Chuyên ngành thương mại

    Chuyên ngành này thường liên quan đến các lĩnh vực chuyên sâu vào hoạt động thường nhật của tổ chức doanh nghiệp. Từ khâu nhập hàng, quản lý kho cho đến việc ra vào của hàng hóa để đảm bảo rằng luôn có đầy đủ hàng hóa để đáp ứng cho khách hàng khi có đơn hàng mới. Chuyên ngành này đào tạo cho sinh viên nhiều kỹ năng quan trọng liên quan đến bán hàng như quản trị bán, quản trị giá, các phương pháp bán hàng để đạt hiệu quả cao. 

    • Chuyên ngành kinh doanh quốc tế

    Chuyên ngành này chuyên về đào tạo các cử nhân có kiến thức về kinh doanh trong môi trường quốc tế và toàn cầu. Sinh viên sẽ được rèn luyện các kỹ năng về đàm phán, giao tiếp và làm việc với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Sau khi học sinh sinh viên sẽ có cho mình những khả năng phân tích thị trường, tìm ra cơ hội thách thức trong kinh doanh quốc tế, thực hành được các kỹ năng đã học và thực hành trong môi trường quốc tế

    • Chuyên ngành ngoại thương

    Chuyên ngành ngoại thương đào tạo cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng về quản trị xuất, nhập khẩu, hải quan, tạo sự tự tin để làm việc được trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp. Bạn sẽ được học về các kiến thức và lý thuyết về môi trường kinh doanh toàn cầu để dự báo cơ hội, thách thức của hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư quốc tế, các phương thức thanh toán quốc tế, bảo hiểm hàng hóa quốc tế, Logistic. Và từ những kiến thức đó lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh quốc tế.

    Chuyên ngành ngoại thương
    Chuyên ngành ngoại thương

    Chương trình đào tạo 

    Nhìn chung chương trình học đại học của ngành quản trị kinh doanh đều hướng đến chương trình gần như tương đương với các trường đại học trên thế giới về kiến thức chuyên môn, toàn diện, độc lập, thành thạo. Thời gian đào tạo của ngành này thường là trong 4 năm với khoảng 135 tín chỉ. 

    Cụ thể sinh viên sẽ được học và nắm vững các kiến thức cơ bản về pháp luật, kinh tế xã hội, đồng thời hiểu về phương pháp quản trị trong doanh nghiệp như: quản trị chất lượng, quản trị nguồn nhân lực, quản trị về tài chính… Bên cạnh đó còn phải hiểu rõ về các chế độ, chính sách của Nhà nước về tài chính  kế toán, kiểm toán ở các loại hình kinh doanh khác nhau. 

    Sinh viên theo học ngành đều phải trải qua các môn: 

    • Kiến thức đại cương

    Gồm các môn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật đại cương, quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất. Ngoài ra còn có các môn về kiến thức khoa học tự nhiên, cơ sở về quản trị làm nền tảng để học các môn cơ sở ngành.

    • Kiến thức cơ sở ngành

    Gồm một số môn tiêu biểu như: Kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, quản trị học, nguyên lý thống kê, xác suất thống kê, nguyên lý kế toán, … nhằm cung cấp các kiến thức về kinh tế, quản trị, tài chính để có cơ sở đi sâu hơn nghiên cứu các môn chuyên ngành.

    • Kiến thức chuyên ngành

    Sẽ gồm các môn học tương ứng với các ngành nghề, các chuyên ngành trong ngành quản trị kinh doanh như: quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính, quản trị marketing, quản trị tài chính, thương mại điện tử, hành vi tổ chức, pháp luật doanh nghiệp, marketing quốc tế…

    Các khối thi xét tuyển

    Sau đây Hocsinh365 sẽ tổng hợp một số trường đại học và khối thi xét tuyển vào ngành này cho bạn nhé:

    • Đại học Kinh tế Quốc dân: có các khối A00 (Toán, lý hóa); A01 (toán, lý, anh); D01 (toán, văn, ngoại ngữ); D07 (toán, hóa, ngoại ngữ)

    • Đại học Thương mại:  có các khối A00 (Toán, lý hóa); A01 (toán, lý, anh); D01 (toán, văn, ngoại ngữ); D07 (toán, hóa, ngoại ngữ)

    • Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội: A01 (toán, lý, anh);  D01 (toán, văn, ngoại ngữ); D09 (toán, sử, anh); 

    • Đại học Công nghiệp Hà Nội: có các khối A00 (Toán, lý hóa); A01 (toán, lý, anh); D01 (toán, văn, ngoại ngữ).

    • ….

    Các khối thi vào quản trị kinh doanh
    Các khối thi vào quản trị kinh doanh

    Trên đây là các trường tiêu biểu ở khu vực phía Bắc, ngoài ra còn có các trường khu vực Trung, Nam cũng đào tạo ngành này như:

    • Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM: A00; A01; D01; D07

    • Đại học Kinh tế TP.HCM: A00; A01; D01; D07

    • Đại học Công nghiệp TP.HCM: A01; C01; D01; 

    • Đại học Văn Lang: A00; A01; D01; C01

    Nhìn chung lại thì với ngành quản trị kinh doanh, khối thi xét tuyển chắc chắn có trong các trường đại học là các khối A00 và A01. Ngoài ra các khối thi khác thì bạn cần tìm hiểu chắc chắn trường mà mình định học có xét tuyển theo khối đó không nhé.

    Các trường đào tạo ngành quản trị kinh doanh tốt nhất và điểm chuẩn 

    Hiện tại trên cả nước có tới gần 200 trường đại học cả công lập và tư lập đào tạo ngành quản trị kinh doanh. Với những trường đã có kinh nghiệm và truyền thống đào tạo ngành quản trị kinh doanh lâu năm thì mức điểm chuẩn vào trường là khá cao và thường nằm trong top điểm cao của các ngành với mức điểm khoảng 25-28 điểm. 

    • Trường Đại học Ngoại thương

    Đây luôn là một trong số các trường top của Việt Nam không chỉ về chất lượng giảng dạy mà cả điểm chuẩn đầu vào của trường cũng cực kỳ cao. Năm 2021, ngành quản trị kinh doanh trường này có điểm chuẩn là 28.45 điểm bao gồm cả điểm cộng ưu tiên. Với mức điểm này sinh viên muốn trúng tuyển cần được khoảng 9.5 điểm 1 môn thì mới có thể đủ điểm đỗ.

    • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

    Năm vừa rồi trường Đại học kinh tế Quốc dân dự kiến chỉ lấy chỉ tiêu ngành quản trị kinh doanh là 280 chỉ tiêu ở hệ chính quy và 160 chỉ tiêu ở hệ chất lượng cao đào tạo bằng tiếng Anh - hệ EBBA. Mức điểm chuẩn trúng tuyển vào trường là 27.75 điểm, cao thứ hai cả nước chỉ sau Đại học Ngoại thương. Còn với hệ EBBA thì điểm trúng tuyển là 27.05 điểm.

    • Trường Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội

    Năm 2022 vừa rồi ngành quản trị kinh doanh của trường lấy 305 chỉ tiêu hệ chính quy với mức điểm chuẩn đầu vào là tương đối cao - 36.2 điểm (tiếng anh nhân đôi). Mức học phí mà Trường dự kiến áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ năm 2022 về sau dao động khoảng 42 – 48 triệu/ năm (trong đó mỗi năm tăng 2 triệu so với năm trước).

    • Trường Đại học Thương mại

    250 chỉ tiêu là con số sinh viên mà trường đại học này tuyển vào trong đợt tuyển sinh năm 2022 cho ngành quản trị kinh doanh. Điểm chuẩn của năm 2021 là vào 26.7 điểm, với mức điểm này thì chưa được tính là quá cao so với các trường đại học được nêu ở phía trên. Và đây là trường đào tạo chuyên ngành quản trị kinh doanh với mức điểm phù hợp với những bạn ưa thích và muốn theo đuổi ngành này những học lực chưa được thực sự xuất sắc. 

    • Học viện Tài chính

    Năm 2022 vừa rồi Học viện Tài chính dự kiến lấy khoảng 240 chỉ tiêu tuyển sinh ngành quản trị kinh doanh với mức điểm chuẩn là 26.7 điểm - bằng với điểm chuẩn trường Đại học Thương mại. Và đây cũng thuộc nhóm trường ở mức thấp hơn chút so với các trường top đầu. Nếu như bạn chưa may mắn vào được các trường top trên thì không sao, Học viện Tài chính vẫn luôn mở cửa đón chào bạn. 

    Ngoài ra còn có rất nhiều trường đại học khác nữa, có cả các trường tư thục đào tạo ngành học quản trị kinh doanh, bạn có thể tìm đọc ở các bài viết tiếp theo mình nhé.

    Cơ hội việc làm

    Sau khi tốt nghiệp sinh viên quản trị kinh doanh sẽ có khả năng thích ứng với môi trường một cách nhanh chóng và linh hoạt trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Một số công việc khởi điểm mà được nhiều sinh viên lựa chọn như:

    • Chuyên viên hành chính nhân sự

    • Chuyên viên kinh doanh

    • Chuyên viên marketing

    • Chuyên viên xây dựng và phát triển chiến lược

    • Giảng viên giảng dạy tại các trường đại học

    Cơ hội việc làm ngành quản trị kinh doanh
    Cơ hội việc làm ngành quản trị kinh doanh

    Ngoài ra còn có rất nhiều ngành nghề khác và bạn hoàn toàn có thể dấn thân trải nghiệm. Thường thì sinh viên quản trị kinh doanh hay có “máu” kinh doanh trong người nên nhiều bạn còn lựa chọn tự khởi nghiệp.

    Thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp

    Tùy thuộc vào lĩnh vực mà bạn đang làm, vị trí bạn đảm nhiệm và tình hình công ty bạn như thế nào mà mức lương của bạn cũng có nhiều điểm khác biệt. Nhưng nhìn chung vẫn sẽ luôn tuân theo một quy tắc, đó là phải dựa vào giá trị mà bạn đem lại cho công ty là nhiều hay ít.

    Thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành quản trị Kinh doanh
    Thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành quản trị Kinh doanh như thế nào?
    • Mức lương của sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm thường trong khoảng 3-5 triệu/ tháng lương cứng và còn có thêm phần trăm doanh thu hoa hồng, các khoản thưởng nếu vượt KPIs thì có thể sẽ cao hơn rất nhiều.
    • Với người đã có kinh nghiệm và năng lực thì mức lương sẽ cao hơn và có thể lên đến 15-20 triệu/tháng lương cứng và vẫn có phần trăm hoa hồng doanh số cộng thêm.

    Vậy nên hiện nay các bạn sinh viên hay cố gắng đi làm và thực tập từ sớm để có kinh nghiệm ngay sau khi ra trường, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến vị trí cũng như mức lương của bạn đấy.

    Học quản trị kinh doanh tại Swinburne Việt Nam

    Chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Swinburne được thiết kế phù hợp với xu hướng của thị trường việc làm và nhu cầu của thị trường.

    Kiến thức lý thuyết được học nhìn chung vẫn sẽ tương tự với các trường đại học khác tuy nhiên sinh viên sẽ được đào tạo về kỹ năng mềm nhiều hơn, chú trọng đến thái độ và thực hành nhiều hơn chỉ chăm chăm vào học lý thuyết. Điều đặc biệt nữa là trong quá trình học bạn sẽ được tiếp cận và sử dụng những thiết bị công nghệ tiên tiến hiện đại hàng đầu. 

    Thời gian học ngành này tại Swinburne là 3 năm, thay vì 4 năm như nhiều trường đại học công lập khác trên cả nước. Bao gồm 300 tín chỉ tương đương 24 học phần. Trong đó là 8 học phần cơ bản, 8 học phần chuyên ngành và cuối cùng là 8 học phần tự chọn để học chuyên sâu.

    Ngoài các học phần theo quy định như vừa chia sẻ ra thì sinh viên cũng có thể học thêm các học phần khác hoặc học chuyên ngành thứ 2 nhằm bổ trợ cho chuyên ngành quản trị kinh doanh đang học.

    Swinburne còn tạo điều kiện tối đa cho sinh viên được thực hành và làm việc với các doanh nghiệp đối tác, từ đó có kinh nghiệm thực chiến từ sớm và áp dụng tối đa lý thuyết đã được học.

    Ngoài các trường đã nêu trên thì sinh viên ngành quản trị kinh doanh có thể lựa chọn đi du học tại các quốc gia trên thế giới. Hiện đây cũng là xu hướng của rất nhiều bạn trẻ.

    Xem thêm: Du học Đức ngành quản trị kinh doanh cần chuẩn bị những gì?

    Lời kết 

    Trên đây là toàn bộ những thông tin về ngành quản trị kinh doanh mà có thể bạn đang cần đến nó. Hocsinh365 mong rằng những thông tin này hữu ích đối với bạn và giúp bạn phần nào trong công cuộc lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân. Hãy theo dõi fanpage và group của Hocsisnh365 để có thêm nhiều kiến thức, thông tin bổ ích hơn nữa nhé!

     


     

    Tin mới